Đời sống gia đình Thanh_giáo

Theo niềm tin Thanh giáo, trật tự của công cuộc sáng tạo là: thế giới được tạo dựng cho con người, và con người được tạo dựng cho Thiên Chúa. Thế giới được tạo dựng theo tôn ti trật tự, tương tự như vậy là xã hội loài người. Người Thanh giáo xem trọng hệ thống tôn ti trật tự trong xã hội vì xem đó là "ý chỉ của Chúa muốn loài người sống trong xã hội, trước tiên là Gia đình, kế đó là Hội thánh, và thứ ba là Cộng đồng." Trật tự trong gia đình được xem là cấu trúc nền tảng. Không giống với các di dân vào thời ấy – thường là những người đàn ông độc thân tìm đến vùng đất mới – người Thanh giáo di cư đến vùng New England theo đơn vị gia đình. Thế hệ tiên phong trong đợt di dân đầu tiên (16301640) tin rằng người vợ Thanh giáo tốt không nên nấn ná ở nước Anh, mà cần phải sống bên cạnh chồng trong nỗ lực phụng sự Chúa. Họ cũng nhấn mạnh đến thẩm quyền của nam giới trong cương vị chủ gia đinh.[3] Giống các phụ nữ thời ấy, người vợ Thanh giáo ở New England không có quyền sở hữu tài sản, nhưng được giao quyền cai quản gia đình. Luật pháp Massachusetts không cho phép người chồng đòi hỏi người vợ làm bất cứ điều gì trái với giáo huấn Kinh Thánh. Người Thanh giáo tin rằng người vợ bình đẳng với chồng trong lãnh vực thuộc linh. Một tác giả Thanh giáo, Thomas Gataker, trình bày ý nghĩa hôn nhân theo Thanh giáo như sau:

... chung sống với nhau trong đời này như là những người bình đẳng trong ân điển, chăm sóc nhau như là những người đồng thừa tự sự vinh hiển đời đời.[4]

Dù phải phục tùng chồng theo quy ước xã hội, phụ nữ được xem là bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực tâm linh và khi kết hợp với nhau trong hôn nhân. Do đó, người phụ nữ Thanh giáo được mặc nhận có thẩm quyền trong việc quản trị gia đình và giáo dưỡng con cái.[5] Người Thanh giáo tin rằng tình mẫu tử là khía cạnh cao quý nhất của tính cách người phụ nữ. Người mẹ Thanh giáo nên nỗ lực giáo dưỡng con mình theo đuổi nếp sống công chính và trải nghiệm sự cứu rỗi.[6]

Trong cộng đồng Thanh giáo ở New England, gia đình là đơn vị căn bản của xã hội. Trong gia đình, người Thanh giáo thực thi và hoàn chỉnh các giá trị tôn giáo, đạo đức, và xã hội; từ đó đáp ứng các kỳ vọng của cộng đồng. Mối quan hệ bên trong gia đình hạt nhân, cùng với sự tương tác giữa gia đình với cộng đồng, là đặc điểm để phân biệt một cộng đồng Thanh giáo với các cộng đồng định cư khác. Thẩm quyền và lòng tuân phục được xem trọng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình Thanh giáo. Tình yêu chân chính đồng nghĩa với kỷ luật đúng mức. Trong một xã hội không hề có cảnh sát thì gia đình là đơn vị căn bản đảm nhiệm chức trách này. Bởi vì trọng trách giáo dưỡng trẻ con thuộc về phụ nữ, nên trải nghiệm về sự cứu rỗi được xem là chuẩn mực hàng đầu đối với người làm mẹ. Người Thanh giáo xem việc giáo huấn trẻ nhỏ là giai đoạn chuẩn bị cho trải nghiệm tiếp nhận đức tin Cơ Đốc của chúng sau này.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thanh_giáo http://www.apuritansmind.com/MainPage.htm http://www.historynet.com/the-puritan-migration-al... http://www.monergism.com/directory/link_category/P... http://www.puritansermons.com/ http://www.reformedsermonarchives.com/ http://www.nd.edu/~rbarger/www7/puritans.html http://dwardmac.pitzer.edu/Anarchist_Archives/gold... http://www.wfu.edu/~matthetl/perspectives/two.html http://web.archive.org/19981206163021/members.aol.... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Purita...